Tất cả chúng ta đều gặp phải tình huống này ở một thời điểm nào đó trong đời: Bạn vô tình xóa bản sao mới nhất của bài thuyết trình mà bạn đã khổ công tạo dựng trong suốt mấy ngày qua? Bạn không có chủ ý click chọn nút "yes" trên cửa sổ thông báo và vô tình định dạng (format) ổ cứng gắn ngoài, bên trong chứa toàn bộ hình ảnh của bạn? Bạn làm rơi iPad vào bồn tắm trong khi đang xem một bộ phim yêu thích? Hoặc bất kỳ hoàn cảnh nào tương tự như vậy.
Trong hầu hết trường hợp, nếu bị mất dữ liệu bạn vẫn có cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, để có được khả năng đó, có một số điều bạn nên và không nên làm để bảo toàn dữ liệu. Dưới đây là cái nhìn khái quát về những điều bạn nên nhớ khi nghĩ rằng bạn có thể bị ảnh hưởng bởi việc mất dữ liệu:
Những điều NÊN làm:
Dừng truy cập thiết bị: Việc tiếp tục sử dụng thiết bị có thể làm tình hình thêm xấu đi và khiến cho dữ liệu của bạn vĩnh viễn không thể phục hồi, đặc biệt là những trường hợp hỏng vật lý như bốc khói, cháy, rớt xuống nước, nứt vỡ, biến dạng, kêu bất thường... Do đó, tốt hơn hết là bạn nên ngừng sử dụng thiết bị dù bất kỳ lý do gì.
Giữ bình tĩnh & viết ghi chú: Đánh giá tình hình và hiểu chuyện gì đã xảy ra. Việc nhận biết những điều bất ổn là cần thiết để quyết định hành động tiếp theo của bạn. Bạn đang làm gì khi xảy ra mất dữ liệu? Bạn có nghe tiếng ồn khác thường hay ngửi thấy mùi cháy hay không? Bạn có nhìn thấy điều gì biểu hiện bất thường không? Cho dù tình huống có đơn giản như thế nào, hãy ghi chép lại càng nhiều càng tốt để bạn có thể tham khảo lại sau. Tổng dung lượng dữ liệu trong thiết bị của bạn là bao nhiêu? Những loại dữ liệu nào mà bạn nghĩ rằng đang bị mất?
Kiểm tra các bản sao lưu: Nếu bạn có ổ cứng sao lưu di động (gắn ngoài), hãy sử dụng một máy tính khác để kiểm tra ổ đĩa này xem còn bất kỳ dữ liệu sao lưu nào mà bạn đang bị mất hay không. Đây là điều hiển nhiên phải nhớ nhưng rất quan trọng. Nếu bạn thường xuyên sao lưu dữ liệu vào ổ cứng khác hoặc tải lên các dịch vụ đám mây, bạn không cần phải làm gì thêm nữa.
Thông báo với chuyên gia: Nếu bạn không tìm thấy bản sao lưu nào, hãy thông báo cho bộ phận công nghệ thông tin (CNTT), nhà cung cấp dịch vụ CNTT, hoặc chuyên gia cứu dữ liệu. Lúc này các ghi chú của bạn sẽ trở nên hữu ích - giao hết cho họ những thông tin mà bạn đã thu thập được.
Đóng gói thiết bị đúng cách: Nếu bạn cần gửi thiết bị lưu trữ cho dịch vụ cứu dữ liệu, hãy đảm bảo đóng gói cẩn thận và sử dụng dịch vụ chuyển phát uy tín có thể theo dõi lộ trình, hoặc tự mình vận chuyển. Nếu bạn chọn dịch vụ vận chuyển, họ sẽ cung cấp thông tin cần thiết để bạn đóng gói thiết bị một cách an toàn. Thông thường đối với những thiết bị cá nhân, bạn nên sử dụng hộp chứa có kích cỡ lớn gấp đôi. Sau đó đóng gói thiết bị cẩn thận và cũng nên đặt nó vào túi chống tĩnh điện. Nếu thiết bị của bạn bị hỏng liên quan đến lửa hoặc nước, nhà cung cấp dịch vụ cứu dữ liệu có thể đưa ra lời khuyên về các biện pháp phòng ngừa bổ sung để bạn thực hiện.
Những điều KHÔNG NÊN làm:
Bây giờ chúng ta hãy xem qua những điều bạn nên tránh khi bị mất dữ liệu. Mặc dù một số điều trông có vẻ rất bình thường, nhưng chúng góp phần quan trọng vào khả năng cứu dữ liệu thành công của bạn.
Đừng hoảng hốt: Việc bị mất dữ liệu rất dễ gây căng thẳng, bất kể ở tình huống nào. Trong lúc hoảng loạn, chúng ta thường có khuynh hướng ra quyết định thiếu chính xác hoặc sai lầm, có thể tác động xấu đến tỷ lệ thành công cứu dữ liệu. Bạn nên dành ít phút để nhận biết điều gì đã xảy ra trước khi thực hiện hành động tiếp theo.
Tiếp tục sử dụng thiết bị: Như chúng tôi đã đề cập ở trên - nếu bạn nghĩ rằng mình đã bị mất dữ liệu, bạn không nên sử dụng thiết bị thêm nữa, dù nhiều hay ít. Thậm chí những việc đơn giản như kiểm tra mail, duyệt web hoặc tìm kiếm dữ liệu trên máy tính cũng có thể ghi thêm thông tin vào thiết bị của bạn, gây ghi đè mỗi tập tin mà bạn đã bị mất.
Chạy CHKDSK: Chương trình kiểm tra và sửa lỗi ổ đĩa này sẽ làm mọi thứ có thể để hệ thống của bạn hoạt động bình thường, nhưng rốt cuộc nó phá hủy bất kỳ tập tin nào theo cách làm việc đó của nó. Người dùng Windows thường thử chạy CHKDSK, nhưng tốt nhất là bạn không nên sử dụng công cụ này.
Tự cứu dữ liệu bằng phần mềm: Khi mất dữ liệu, bạn dễ bị bản năng thúc giục rằng mình phải cố gắng làm điều gì đó. Mặc dù có vẻ là ý kiến hay tại thời điểm đó, nhưng các cách cứu dữ liệu thường dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng hơn và thậm chí mất dữ liệu vĩnh viễn. Thay vì chọn cách tự làm, trước tiên bạn nên liên hệ với chuyên viên CNTT của bạn hoặc chuyên gia cứu dữ liệu có uy tín - một nhà cung cấp dịch vụ tốt sẽ đưa ra nhiều lựa chọn theo tình huống cụ thể và tư vấn cho bạn biết cách nào an toàn để tự cứu dữ liệu bằng phần mềm.
Mở ổ cứng: Điều cuối cùng nhưng rất quan trọng, bạn không nên tự mở ổ cứng của mình. Nếu bạn không phải là chuyên gia cứu dữ liệu có kinh nghiệm trong môi trường phòng sạch, bạn sẽ càng làm thiết bị hư hỏng nặng hơn, dù bạn cẩn thận đến mấy. Đối với ổ cứng cơ, ngay cả những hạt bụi có kích thước rất nhỏ (10 micromet) cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thiết bị (đầu đọc ghi nằm cách bề mặt đĩa từ chỉ vài nanomet) và có thể phá hủy dữ liệu trên ổ cứng - công việc này chỉ được thực hiện bởi chuyên gia. Giống như nhiều cách tự cứu dữ liệu khác, người ta dễ bị cám dỗ nên thử chúng, nhưng đây là việc mà bạn nên để cho các chuyên gia cứu dữ liệu.
Tóm lại, nếu bạn đã bị mất dữ liệu, hãy cố gắng hành động một cách có suy tính và thận trọng. Dành chút thời gian đánh giá vấn đề trước khi hành động có thể mang đến sự khác biệt giữa lấy lại được dữ liệu và mất dữ liệu vĩnh viễn. Nếu bạn không rõ điều gì, hãy liên hệ chuyên viên CNTT của bạn hoặc nhà cung cấp dịch vụ cứu dữ liệu có uy tín - họ sẽ tư vấn cho bạn nên làm gì tiếp theo.