Với những ai cần tìm hiểu cách tự làm một việc gì đó, họ có thể lên mạng và gõ từ khóa tìm kiếm theo ý muốn. Trên internet có vô vàn kiến thức với đủ mọi lĩnh vực, trong đó có cả hướng dẫn cách tự cứu dữ liệu thuộc lĩnh vực lưu trữ. Cho dù là làm một chiếc bánh hình khủng long hoặc sửa chữa cái bồn rửa chén, bạn có thể tìm thấy các bước hướng dẫn chi tiết, và điều này cũng tương tự như khi bạn muốn tự cứu dữ liệu. Sự khác nhau ở đây là nguy cơ bạn gặp phải khi cố gắng cứu dữ liệu mà không có chuyên môn. Không giống như làm bánh và sửa bồn rửa chén, nguy cơ cao là bạn có thể gây hỏng thiết bị lưu trữ vĩnh viễn và dữ liệu không thể được khôi phục.
Thực tế rõ ràng có nhiều trường hợp sử dụng phần mềm cứu dữ liệu mang lại hiệu quả tốt, nhưng đó không phải là điều chúng tôi đang đề cập đến ở đây. Điều chúng tôi thấy là nhiều ổ cứng áp dụng phương pháp tự cứu dữ liệu nhưng kết quả thật tai hại. Bên dưới là danh sách 10 cách tự cứu dữ liệu thất bại mà chúng tôi thường gặp nhất, bạn không nên thử tại nhà.
1. Lỗi RAID 5:
Khi một ổ cứng bị sự cố trong mảng RAID 5, hệ thống vẫn tiếp tục hoạt động ở chế độ suy cấp (degraded mode). Phần lớn mọi người không hay biết vì họ không giám sát mảng, nhưng khi ổ cứng thứ hai gặp sự cố, mảng RAID 5 bị tê liệt hoàn toàn và dữ liệu không thể truy cập được. Lúc đó, họ rút các ổ cứng ra, reset và khởi động lại hệ thống. Tại thời điểm đó, ổ cứng bị sự cố lúc ban đầu có thể hoạt động trở lại và sẵn sàng. Bộ điều khiển RAID sẽ hiểu dữ liệu trên ổ cứng bị sự cố chưa đồng bộ với dữ liệu parity trên các ổ cứng khác, do đó nó tái tạo parity với dữ liệu không hợp lệ từ ổ cứng bị sự cố. Điều này làm ghi đè nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm tạo dựng dữ liệu.
2. Chạy CHKDSK:
Khi ổ cứng gặp sự cố, người dùng Windows thường chạy CHKDSK. Tiện ích kiểm tra và sửa lỗi ổ đĩa này sẽ phá hỏng dữ liệu hiện hữu, khiến tình trạng ổ cứng đang bị sự cố càng thêm trầm trọng và ảnh hưởng đến khả năng lấy lại dữ liệu.
3. Chạy phần mềm cứu dữ liệu:
Nhiều người cố gắng lấy lại dữ liệu từ ổ cứng hỏng vật lý hoặc lỗi đầu đọc ghi bằng cách sử dụng phần mềm cứu dữ liệu. Một số người dùng còn cài đặt phần mềm này vào ổ cứng bị hỏng, có chứa dữ liệu mà họ đang muốn khôi phục. Hậu quả là nguy cơ dữ liệu bị ghi đè và làm cho dữ liệu, cũng như ổ cứng hỏng nặng hơn.
4. Nhờ người rành công nghệ:
Hầu hết mọi người đều có bạn bè hoặc người quen được coi là "chuyên gia" về công nghệ. Khi cần cứu dữ liệu, người rành công nghệ này sẽ mở ổ cứng trong môi trường bình thường (không phải phòng sạch hoặc tủ sạch) và để cho bụi rơi trên đĩa từ. Sau đó người này vệ sinh bụi bằng bàn tay của mình. Mặc dù đã vệ sinh kỹ càng, nhưng những hạt bụi bé nhỏ (10 micromet), cùng với dấu vân tay (4 micromet) còn lưu lại trên bề mặt đĩa từ sẽ dễ dàng phá hỏng đầu đọc ghi (nằm cách đĩa từ chỉ vài nanomet) và tạo ra vết xước trên đĩa từ. Lúc này ổ cứng bị hỏng vật lý vĩnh viễn, không thể lấy lại dữ liệu.
5. Tự mở ổ cứng:
Nhiều người cố gắng mở ổ cứng và thường để sót ốc vít nằm ngay bên dưới nhãn của ổ đĩa. Sau đó họ dùng tuốc nơ vít để cạy nắp phía trên gây ra trầy xước, và trong một số trường hợp làm vỡ đĩa từ. Khi đã bị trầy xước, bề mặt phía trên của đĩa từ không còn khả năng khôi phục, dẫn đến chỉ có thể khôi phục một phần dữ liệu.
6. Hoán đổi bo mạch:
Nhiều năm trước, người ta có thể hoán đổi bo mạch của ổ cứng để mong sửa chữa được nó, nhưng giờ đây mỗi bo mạch được thiết kế riêng biệt cho một ổ cứng. Nếu không có ổ cứng gốc, bo mạch sẽ không hoạt động hoặc hoạt động không đúng chức năng, gây ảnh hưởng đến các bộ phận quan trọng bên trong ổ cứng. Tuy vậy, ngày nay không ít người vẫn thử theo cách này. Họ cố gắng hoán đổi bo mạch trên ổ cứng của mình để cứu dữ liệu và khi nó không hoạt động, họ mới chấp nhận nhờ dịch vụ cứu dữ liệu chuyên nghiệp can thiệp. Có vài trường hợp, kỹ thuật viên của chúng tôi phải xác định đúng bo mạch của loại ổ cứng mà khách hàng mang đến trước khi tiến hành cứu dữ liệu.
7. Hoán đổi đĩa từ:
Trên mạng có một thủ thuật: nếu bạn tháo đĩa từ của ổ cứng hỏng và gắn vào ổ cứng mới, bạn có thể cứu dữ liệu trên các đĩa từ đó. Nhiều người dùng thử cách này nhưng chẳng bao giờ thành công, mà trái lại dễ đánh mất dữ liệu vĩnh viễn do thiếu hiểu biết về ổ cứng. Khi đến dịch vụ cứu dữ liệu, có người chỉ mang theo các đĩa từ đặt bên trong một chiếc túi nhựa, không có thêm thứ gì khác. Nếu không rõ model của ổ cứng và một số thông tin quan trọng khác, dữ liệu không thể được khôi phục.
8. Ổ cứng bị mã hóa:
Một số ổ cứng gắn ngoài đã bị mã hóa và khóa giải mã nằm trong một con chip trên bo mạch của hộp đựng ổ cứng. Khi những ổ cứng này hỏng, chủ nhân của nó thường bỏ chiếc hộp đó đi và thử gắn ổ cứng vào một chiếc hộp khác. Cuối cùng, họ đem đi cứu dữ liệu nhưng không thể giải mã được.
9. Cho ổ cứng vào tủ lạnh:
Thêm một phương pháp tự cứu dữ liệu ly kỳ được lan truyền trên mạng, đó là cho ổ cứng vào tủ lạnh. Vài người tỉ mỉ hơn, dùng khăn giấy quấn xung quanh ổ cứng, rồi bỏ nó vào túi nilon đựng thực phẩm (hay túi zipper), sau đó để vào ngăn đá tủ lạnh trong nhiều giờ. Dù bạn cẩn thận thế nào đi nữa, nước / hơi nước cũng sẽ ngưng tụ khắp mặt ngoài, mặt trong của ổ cứng. Hậu quả là gây chạm chập bo mạch bên ngoài, hỏng bề mặt đĩa từ và/hoặc đầu đọc ghi bên trong của ổ cứng.
10. Cho điện thoại vào thùng gạo:
Dân mạng còn mách bảo nhau một cách cứu dữ liệu lạ lùng khác: cho điện thoại vào thùng gạo. Nhiều người cho rằng gạo hút ẩm khá tốt, nên nghĩ đây là cách khả thi trong trường hợp điện thoại bị vô nước. Trên thực tế, tác dụng của nó không thể được kiểm chứng rõ ràng, mà trái lại còn làm hỏng thiết bị do xử lý chậm trễ trong thời gian dài. Cách tốt nhất là hãy tháo pin ra ngay (nếu có thể), bất kể máy còn lên nguồn hay không; tiếp đến, lấy thẻ nhớ và thẻ sim ra; sau đó nhờ dịch vụ can thiệp để đảm bảo an toàn cho máy và dữ liệu.